Diễn biến Chiến_dịch_Lý_Thường_Kiệt

Hạ tuần tháng 9 lên đường, đến ngày 25/9 đại đoàn 312 vượt sông Hồng tiến vào Tây Bắc, chia làm hai cánh tiến vào phân khu Nghĩa Lộ[7]:

Tới cuối tháng 9-1951 thì Pháp biết rằng trung đoàn 141 và trung đoàn 209 đã tiến tới Nam Muội cách Nghĩa Lộ khoảng 10 km về phía bắc. Trung đoàn 165 đã tiến tới Ca Vinh cách Nghĩa lộ 40 km về phía đông.

Ngày 30/9 cánh phụ tiêu diệt Ca Vinh. Lực lượng Pháp ở Ca Vịnh có 135 lính, do quan hai Roch chỉ huy, vũ khí có 12 trung liên, hai súng cối 61mm, một đại liên và nhiều súng trường, lựu đạn. 3 giờ 10 phút thì nổ súng, đến 7 giờ 30 phút thì phá huỷ được một phần công sự, nhưng Quân đội Nhân dân Việt Nam không giải quyết được hoàn toàn cứ điểm và phải rút ra ngoài vì thương vong cao (hy sinh 36 người, bị thương 118 người)[8]. Ngày 1 tháng 10, Pháp bỏ Ca Vịnh rút về Ba Khe.

Ngày 1/10, ở cánh chính, tiểu đoàn 166 trung đoàn 209 đánh chiếm Bản Tú. Quân Pháp ở đây có 120 tên, do quan một Renoult chỉ huy, vũ khí có 6 trung liên, hai cối 61mm và tiểu liên, súng trường. 23 giờ 30 phút, Quân đội Nhân dân Việt Nam nổ súng, sau 5 phút đã mở được cửa mở và phát triển vào tung thâm. 24 giờ, Pháp rút về phía Nghĩa Lộ khoảng hai trung đội. Đến 24 giờ 40 phút, Quân đội Nhân dân Việt Nam chiếm xong đồn, diệt 12 lính, bắt 16 (có cả đồn trưởng). Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh 9 người, bị thương 71 người.

Ngày 2/10/1951, Raoul Salan ném tiểu đoàn dù 8 (8th BPC) do đại úy Gauthier chỉ huy xuống Gia Hội, cách Nghĩa Lộ 20 km về phia bắc để tiếp viện, đe dọa sau lưng cánh quân 312 đang tiến về Nghĩa Lộ. Nhiệm vụ tiểu đoàn này là phá rối trung đoàn 141 và 209 để cầm chân và làm giảm nhẹ áp lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Nghĩa Lộ.

Đêm ngày 2/10, trung đoàn 141 cùng một liên đội pháo tăng cường (năm khẩu), hai đại đội công binh, tiến công đồn hạ phía nam Nghĩa Lộ nhưng không thành công. Thiếu tá Girardin trưởng đồn bị tử trận, có lúc Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ còn cách đồn chỉ huy 50m, nhưng cuối cùng đồn vẫn giữ vững không bị thất thủ sau nhiều đợt xung phong của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Về phía bắc, 7 giờ 30 phút ngày 3 tháng 10, hai tiểu đoàn 154 và 166 thuộc trung đoàn 209 vận động đánh quân dù hành quân từ Gia Hội đến tiếp viện cho Nghĩa Lộ, cách Gia Hội 8 km. Sau một giờ chiến đấu, quân Pháp bị cắt làm hai bộ phận. Bộ phận đi đầu khoảng một đại đội cơ bản bị diệt, số còn lại chạy về Gia Hội bị đại đội 612, đại đội 606 truy kích diệt 40 lính. Bị đánh mạnh, tiểu đoàn dù của Gauthier phải rút về giữ thế thủ ở đèo Gia Hội.

Suốt ngày 3 đến sáng ngày 4-10-51, tiểu đoàn 546 của trung đoàn 165 tiến công đồi Cửa Nhì ở phía đông, cùng lúc trung đoàn 141 Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công đồn Sơn Búc, cách Nghĩa Lộ khoảng 10 km phía đông nam, nhưng vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của đại uý Bes de Berc và lính người Nùng. Quân Pháp còn có sự yểm trợ của không quân, các máy bay ném bom B-26 InvaderF8F Bearcat liên tục ném bom vào các vị trí Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến 4 giờ sáng ngày 4-10, Quân đội Nhân dân Việt Nam rút lui. Kết quả hai trận đánh ở Nghĩa Lộ (đêm 2 và 4 tháng 10), Quân đội Nhân dân Việt Nam đã diệt khoảng 150 lính, bắt 19, nhưng bị hy sinh 118 người, bị thương 200 người.

Sáng ngày 4/10, Salan được tin tiểu đoàn dù bị thiệt hại nặng đã ném tiếp tiểu đoàn 2 dù xuống Gia Hội. Tiểu đoàn dù 2 do đại úy Raffali chỉ huy được thả xuống Gia Hội để phụ lực với Gauthier. Nhưng cả hai tiểu đoàn dù đều bị chặn đánh ở Văn Tông và gần Nậm Mười, không liên lạc được với nhau.

Ngày 5/10, Salan ném thêm tiểu đoàn 10 dù xuống Nghĩa Lộ, định cắt đường tiếp tế của đại đoàn 312 đang ở trên cánh đồng Nghĩa Lộ. Tiểu đoàn 2 và 8 dù tiến về phía rừng núi Khâu Vác. Những phân đội của Đại đoàn 312 phát hiện quân dù lập tức nổ súng. Tiểu đoàn 154 phục kích cánh quân của tiểu đoàn 8 dù ở bản Văn Tông, sau 10 phút nổ súng và truy kích đến 2 giờ sáng, diệt và bắt 26 lính. Cũng trong thời gian đó, cánh quân của tiểu đoàn 2 dù tiến đến Nậm Mười, bị tiểu đoàn 130 nổ súng chặn đánh. Sau năm đợt xung phong, quân Pháp yếu thế phải bỏ chạy. Quân đội Nhân dân Việt Nam truy kích đến 4 giờ ngày 7 tháng 10 thì rút quân. Kết quả toàn trận, Pháp chết 60 línn; Quân đội Nhân dân Việt Nam hy sinh 15 người, bị thương 62 người.

Cả hai tiểu đoàn dù bị thiệt hại nặng phải rút về Gia Hội, đại úy Gauthier chỉ huy Tiểu đoàn dù 8 bị thương nặng rồi sau đó mất tích. Đêm đó, một lính Lê dương Pháp vì tức giận do đơn vị bị thiệt hại quá nhiều, đã dùng dao cắt cổ một số tù binh người Việt một cách man rợ. Sau trận đánh, lính Lê dương này bị tòa án quân sự kết án tù.[5]

Trên hướng thứ yếu Phong Thổ, từ đêm 29 tháng 9 đến ngày 10 tháng 10; trung đoàn 148 cùng bộ đội địa phương Lào Cai bao vây, tiến công các đồn Yên Na (4 tháng 10), diệt 113 lính, thu 12 súng các loại và 20 tấn quân trang quân dụng. Ngày 9 tháng 10, tiểu đoàn 930 tiến công Than Thuộc, Pác Tà. Sau 30 phút chiến đấu Pháp bỏ đồn chạy. Tiểu đoàn 910 tiến công Than Uyên, không kết quả.

Về phía Việt Nam, lực lượng của đại đoàn 312 cũng bị tiêu hao nhiều sau 10 ngày chiến đấu liên tục (287 người hy sinh, 702 người bị thương, 22 người mất tích), lương thực chỉ còn 2 ngày. Ngày 10 tháng 10, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định thời cơ đánh địch đã hết và ra lệnh kết thúc chiến dịch. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn ra lệnh thu quân.